Góc nhìn

Thứ 7 ngày 27 tháng 08 năm 2022Lượt xem: 12931

Bác sĩ gia đình.

 

Y học gia đình là một chuyên ngành y khoa ra đời trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Chuyên khoa đó tạo ra bác sĩ gia đình (BSGĐ) chủ yếu thực hành ở phòng khám ngoại trú ở các tuyến y tế cơ sở trong mạng lưới y tế thế giới.

Hoàn cảnh ra đời Y học gia đình (YHGĐ): Tại các quốc gia đã phát triển, vì lý do kinh tế, hầu hết việc chăm sóc sức khoẻ các bệnh mạn tính như: tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn,... đã chuyển từ phòng bệnh nội trú ra phòng khám ngoại trú với các phác đồ điều trị được xây dựng nhằm phân cấp các bước điều trị rõ ràng với sự phối hợp của các chuyên khoa liên quan.

Hậu quả trực tiếp của việc chuyển dịch này có liên quan trực tiếp đến việc đào tạo, có nghĩa là các sinh viên, bác sĩ theo học các chương trình đào tạo đại học và sau đại học đã không có dịp quan sát và thực tập nhiều bệnh lý mạn tính, thông thường như trong phòng bệnh nội trú như trước đây nữa trong các đợt luân khoa do các đợt cấp của các bệnh mạn tính này đã được quản lý hiệu quả tại các phòng khám ngoại trú với các phác đồ phân cấp rõ ràng mà không cần phải nhập viện. Ngoài ra các học viên nêu trên lại có ít cơ hội để quan sát và thực hành quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt là việc chăm sóc liên tục vốn được chuyển sang phòng khám ngoại trú từ lâu.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề quan trọng và mới như dự phòng, thăm khám bệnh ngoại trú, quản lý phòng khám, vai trò của môi trường và gia đình trong bệnh tật, vai trò của huy động nguồn tài nguyên cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe và áp dụng các nguyên lý thực hành cải thiện chất lượng liên tục chưa được chú trọng giảng dạy trong các chương trình đào tạo Y khoa truyền thống.

Để khắc phục khoảng trống nêu trên: việc ra đời của chuyên khoa YHGĐ và người BSGĐ là cần thiết. Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình sinh tâm lý xã hội (biopshychosocial model) trong quá khứ và hiện nay là mô hình chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm (patient –center care) đã cung cấp cho người BSGĐ một cái nhìn đa tuyến (multichannel) khi chăm sóc bệnh nhân của họ khi so sánh với cái nhìn đơn tuyến của các BS chuyên khoa khác khi cùng chăm sóc một bệnh nhân.

Do đó BSGĐ sẽ là người phụ trách và giải quyết vấn đề quản lý theo dõi bệnh mãn tính tại phòng khám ngoại trú một cách hiệu quả nhất. Nói cách khác, hoạt động BSGĐ sẽ trực tiếp giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các BS chuyên khoa liên quan đồng thời tiết kiệm được kinh phí nằm viện vô ích cho bệnh nhân và bảo hiễm y tế (khoa bệnh nội trú chỉ dành cho các bệnh lý thật sự nặng cần chăm sóc tích cực với sự hỗ trợ các BS chuyên khoa sâu).

 

 

Chương trình đào tạo: dựa trên triết lý học tập cho người lớn, chương trình thiết kế dựa trên các năng lực cần thiết (competency – based curriculum).

Để người học có được các kỹ năng đã nêu thì người thầy phải đóng vai trò mẫu mực trong quan hệ thầy thuốc bệnh nhân và quá trình đào tạo cũng phải toàn diện liên tục có chú ý đến tài nguyên của người học, người thầy truyền hết kinh nghiệm hành nghề và chuyên môn đồng thời tiếp tục theo dõi giúp đỡ người học trò của mình trên quá trình làm việc về sau một cách liên tục thông qua đào tạo y khoa liên tục. Do đó các nhà giáo dục y khoa của y học gia đình đã chọn thuật ngữ Mentor để diễn tả khái niệm này và dùng lối truyền đạt song hành có phản hồi với nguyên lý preceptorship.

Đối tượng là toàn thể người bệnh trong khung cảnh gia đình và cộng đồng mà họ sinh sống, chứ không phải là hệ thống cơ quan hay một số các bệnh lý đặc hiệu như ở các chuyên khoa khác.

BSGĐ được huấn luyện để quản lý một lượng rất lớn các ốm đau và chất lượng như nhau cho các thành viên trong gia đình không kể tuổi, giới, tín ngưỡng.

Như vậy giá trị của BSGĐ thể hiện ở chỗ:

  1. Người giúp được bệnh nhân và gia đình họ giải quyết 80% các vấn đề sức khỏe thông thường cùng các bệnh lý cấp hay mạn chưa có biến chứng cũng như chưa cần chuyển khám chuyên khoa. Các giải pháp đề ra luôn chú ý đến nguồn tài nguyên của gia đình hay nói khác đi làm sao cho bệnh nhân mua được thuốc trong khả năng kinh tế của gia đình, bệnh nhân không phải đi xa, giảm chi phí và tăng hiệu quả điều trị do áp dụng các biện pháp tăng cường sức khoẻ song song với các liệu pháp dùng thuốc và được các cá thể thành viên trong gia đình hưởng ứng.
  2. Người được bệnh nhân đặt lòng tin để thổ lộ các vấn đề cá nhân cũng như của gia đình, giúp nhiều thông tin trong chẩn đoán các bệnh có liên quan đến tiền sử gia đình.
  3. Người có kỹ năng phối hợp các chuyên gia trong chăm sóc các bệnh mạn tính và chăm sóc cuối đời.
  4. Người được đào tạo giúp cộng đồng phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật để phòng ngừa, tầm soát định kỳ các bệnh lý có nguy cơ cao theo nhóm tuổi, theo cộng đồng dân cư.
  5. Khám sức khỏe định kỳ... 

Để được như thế người BSGĐ có các khả năng:

  1. Chăm sóc các bệnh cấp tính và dự phòng nó: suyễn, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng tiểu, viêm hô hấp trên, bệnh nhiễm trùng, chảy máu cam.
  2. Kiểm soát các bệnh mạn tính: đái tháo đường, béo phì, tăng HA, bệnh gan, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn tính.
  3. Chăm sóc dự phòng tất cả các cấp cho cộng đồng: tầm soát, giáo dục y khoa phòng ngừa, tiêm chủng, dự phòng biến chứng..
  4. Chăm sóc sức khỏe tâm thần.
  5. Nghiên cứu khoa họ
  6. Tự đào tạo thông qua CME đào tạo y khoa liên tục, Y học chứng cứ EBM.
  7. Kỹ năng ra quyết định thích hợp bao gồm lựa chọn các chuyên khoa sâu cho bệnh nhân nếu cần.

Hiệu quả của Y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe người dân:

Ở Anh cứ mỗi một BS chăm sóc sức khoẻ ban đầu thêm cho 10.000 dân ( tăng khoảng 20%) sẽ phối hợp với giảm tỷ suất tử vong khoảng 5% đã hiệu chỉnh với các bệnh mạn tính và các đặc trưng về dân số học và kinh tế xã hội khác nhau.

khamthankinh.vn (tk nguồn J Public Health Med 2022, YDtpHCM)