Thứ 3 ngày 28 tháng 05 năm 2019Lượt xem: 18509
Cậu bé vô địch gameshow sau 5 năm điều trị Rối loạn ngôn ngữ.
Nhìn Hải trả lời đúng 10/10 câu hỏi trong 2 phút của cuộc thi đố vui trên truyền hình, ít ai biết cậu từng không nói được trước 3 tuổi.
Vô địch gameshow đố vui nhanh trí dành cho thí sinh 4-8 tuổi, phát sóng ngày 20/5 trên kênh HTV7, Đài Truyền hình TP HCM, cậu bé Phạm Duy Hải, 8 tuổi, quận 2, không ngừng phấn khích nói: "Phải chiến thắng để bố mẹ tự hào". Quả thực với mẹ bé, chị Trịnh Thủy Trà (làm việc tại một đài truyền hình), thành công hôm nay của con là dấu ấn đáng nhớ, vì Hải từng mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, 3 tuổi còn chưa thể giao tiếp với mọi người.
"18 tháng bé không có sự tương tác với bố mẹ. Gọi gì, nói gì bé cũng không để ý. Khi tôi nói chuyện thì bé không hiểu nhưng khi thể hiện hành động thì Hải lại hiểu. Lúc đó tôi nghĩ có thể con chậm nói thôi", chị Trà nhớ lại. Hải đi học tại một trường mẫu giáo gần nhà. Đến giờ ăn, cô yêu cầu các bé xếp hàng di chuyển đến phòng ăn, Hải không có phản ứng, dù cô nói chuyện trực tiếp với con. Nhưng khi cô giáo làm động tác cầm chén đũa ăn cơm và chỉ vào vị trí, Hải lập tức làm theo. Ngủ dậy, cô yêu cầu các bé đi vệ sinh, nhưng cậu bé không hiểu. Cô chỉ vào khăn rửa mặt thì Hải mới nhận ra. Nhận phản ánh của cô giáo, chị Trà cùng chồng đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và một phòng khám tư. Tại cả hai nơi, bé đều nhận kết luận bị rối loạn ngôn ngữ và chỉ số hưng phấn thần kinh cao hơn trẻ bình thường. Cả gia đình rất lo lắng. Ba là bộ đội hay xa nhà, mẹ bận việc triền miên nên việc chăm sóc cho một đứa trẻ rối loạn ngôn ngữ trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, gia đình thống nhất dành nhiều thời gian nhất có thể để trò chuyện với con, mong con tăng khả năng nói. Ngoài việc nhờ cô giáo ngôn ngữ đến trò chuyện, vợ chồng chị Trà cũng thu xếp lại công việc và lập kế hoạch học nói cùng con vào mọi lúc. Biết con thích số, nên ba cùng Hải học đếm số, phân tích các trò chơi liên quan đến số. Mẹ hát các bài hát thiếu nhi, đọc nhiều truyện, rồi cùng Hải phân tích nhân vật, mặc dù ban đầu cậu bé không hề tương tác với mẹ. Vợ chồng chị Trà cũng cho Hải ra ngoài thường xuyên hơn. Ở mỗi nơi Hải đều được ba mẹ giảng giải tất cả những hình ảnh trên đường, như cái cây có tác dụng gì, hoa mọc từ đâu ra... Cuối tuần nào cậu bé cũng được đi chơi, gần thì đi công viên, xa thì đi Vũng Tàu, và sau mỗi chuyến đi Hải tiến bộ hơn rất nhiều.
Cần mẫn như vậy, đến năm 3 tuổi, Hải mới nói được những tiếng đơn lẻ đầu tiên. 4 tuổi cậu bắt đầu nói thành câu. "Khi nói được con rất lý sự, cái gì cũng hỏi mà ghi nhớ rất nhanh. Con tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh, luôn vặn hỏi bố mẹ vì sao lại như thế", chị Trà kể. Chị và chồng thống thất là dù con đúng hay sai, ba mẹ đều lắng nghe. "Phải cho con tự do nói ý nghĩ của mình. Phải hiểu rõ suy nghĩ của con, nếu đúng thì theo bé, sai thì điều chỉnh. Chúng tôi coi bé như người bạn trao đổi với nhau thẳng thắn, chứ không coi bé là con mình để áp đặt", chị Trà chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh - nguyên hiệu trưởng trường mầm non nơi Hải theo học mẫu giáo - cho biết cậu bé có năng khiếu chơi đàn. "Thời đó, khi tôi dạy các cô giáo nhạc, lúc xướng âm Hải đứng cạnh và con gõ lại không sai chi tiết nào. Tôi có nói với mẹ Hải nên cho cháu đi học đàn piano bởi vì con thích, hơn nữa khi học nhạc, các đầu ngón tay sẽ kích thích sự phát triển trí não của con. Sau này tôi biết Hải đạt được rất nhiều giải thưởng về âm nhạc uy tín". Cũng theo cô Kim Anh, Hải còn rất đam mê tiếng Anh và Toán học. "Trong trường hồi đó có học theo giáo trình dạy toán của Singapore. Các giáo viên rất khen Hải về trình độ tính nhẩm cũng như khả năng tư duy của con. So với các bạn cùng lứa tuổi lên 4 hồi đó, Hải vượt trội hơn rất nhiều. Cậu bé cũng giao tiếp tiếng Anh rất tự tin, không e dè như nhiều bạn trong lớp".
Sau nhiều năm, Duy Hải giờ đây đã trở thành một học sinh phát triển bình thường, tuy nhiều lúc cậu bé vẫn hưng phấn quá mức. Trong chương trình gameshow dành cho thiếu nhi Hải mới tham gia, nhiều lúc cậu bé mất bình tĩnh nên suy đoán chưa chính xác. Tuy nhiên sau khi được nhắc nhở, cậu bé lại tự tin trả lời đúng hết. Ngay sau khi rời khỏi chỗ người chơi, Duy Hải mời mẹ lên sân khấu. "Mẹ ơi, mẹ có vui không?", câu nói của cậu bé khiến chị Trà rớm nước mắt. "Hải là một cậu bé rất ấm áp. Con có thể ôm hôn, thể hiện tình cảm nồng ấm với mẹ trước mặt mọi người mà không bao giờ tỏ ra ngại ngùng. Với một người mẹ, đó là điều tuyệt vời nhất", chị Trà nói.
. Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lương (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục) trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có những biểu hiện như chậm nói, nói lắp hoặc nói sai ngữ pháp. Có những trẻ nói một mình, nói những âm vô nghĩa hoặc nói nhại lời. Trẻ không chú ý lắng nghe người khác nói với mình và không quan tâm khi có người đọc sách cho nghe. Ngoài ra, khả năng nghe hiểu của trẻ bị hạn chế, không hiểu được những câu nói phức tạp và không làm theo được mệnh lệnh đơn giản bằng lời.
. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể chia làm 2 loại: Rối loạn khả năng phát âm và Rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ.
. Trẻ hiểu được lời người khác nói nhưng phải thông qua hành động như trường hợp của bé Hải thì có thể bị Rối loạn khả năng phát âm. Trẻ khó bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi. Với trường hợp này, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con giao tiếp rộng rãi với môi trường bên ngoài, cho trẻ đi học mầm non để có cơ hội quan sát, bắt chước những đứa trẻ cùng tuổi. Bên cạnh đó có thể cho bé đi học ở các trung tâm rèn luyện ngôn ngữ, được đào tạo bởi các chuyên gia uy tín.
. Trẻ bị coi là rối loạn tiếp thu khi đã quá 3 tuổi mà có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Đối với những trường hợp này thì cần được thăm khám cụ thể để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 16/02/2021
Khi nào bạn cần đến sự tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh?