Thứ 6 ngày 03 tháng 01 năm 2020Lượt xem: 19071
Hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu?
Có phải cứ ăn trái cây vào là có nồng độ cồn không, và Hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu là gì?
Từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt rất được sự quan tâm của dư luật trong đó có quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu bằng 0? Tuy nhiên, khi bạn ăn trái cây có thể nồng độ cồn trong máu >0.
Thực hư thế nào?
- Không phải người nào ăn trái cây hoa quả tươi cũng sẽ có nồng độ cồn trong máu.
- Hội chứng ăn tinh bột, ăn đồ ngọt, uống nước ngọt nước trái cây và cơ thể biến nó thành cồn rượu là hội chứng "Cơ thể tự tổng hợp rượu" - Auto Brewery Syndrome.
- Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ người mắc phải hội chứng này, và có cách phòng tránh nó.
- Nếu từ xưa đến nay bạn ăn cơm, ăn đồ ngọt, uống đồ ngọt mà không thấy bị say, không có triệu chứng say, thì khả năng rất cao là bạn không mắc hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu
Hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu là gì?
Hội chứng cơ thể tự tổng hợp cồn rượu, hay còn gọi là hội chứng tự lên men rượu tại ruột (gut fermentation syndrome and endogenous ethanol fermentation). Nếu mắc phải hội chứng này, bạn có thể bị say rượu mặc dù chẳng uống tí rượu bia nào.
Nếu mắc hội chứng này, cơ thể bạn sẽ biến đường ngọt, tinh bột thành rượu. Hội chứng này khó chẩn đoán.
Y văn thế giới chỉ ghi nhận được vài trường hợp mắc chứng cơ thể tự tổng hợp rượu trong vài chục năm qua. Như vậy khả năng bạn ăn trái cây và có nồng độ cồn trong máu là rất thấp. Nếu xưa giờ không bị thì giờ bạn cũng cứ yên tâm. Nhưng nếu bạn thấy có cảm giác say, hơi thở có mùi rượu sau khi ăn nhiều đồ ngọt, trái cây, thì bạn cũng nên cần được chẩn đoán xác định và điều trị.
Các triệu chứng của hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu:
- Bị say mặc dù không uống rượu.
- Uống một tí rượu vào cũng say mèm (ví dụ 1-2 chai bia đã gục).
- Da bị ửng đỏ, đỏ mặt giống như uống rượu sau khi ăn đồ ngọt.
- Chóng mặt khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
- Nhức đầu khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
- Buồn nôn khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
- Khô miệng khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
- Ợ hơi men khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
- Mất tập trung khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột.
Nguyên nhân của hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu:
Khi mắc hội chứng này, cơ thể bạn sẽ tự tổng hợp "rượu" - cồn ethanol từ tinh bột hoặc các chất ngọt mà bạn ăn, uống. Việc tổng hợp này thường diễn ra trong bao tử hoặc ruột. Nguyên nhân có thể là có quá nhiều men trong ruột (Men là một loại nấm).
Một số men ruột có thể gây hội chứng tự tổng hợp rượu:
- Candida albicans
- Candida glabrata
- Torulopsis glabrata
- Candida krusei
- Candida kefyr
- Saccharomyces cerevisiae (Đây là men người ta dùng để làm rượu, bia)
Ai có thể bị mắc Hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu?
Hội chứng này không giới hạn độ tuổi hay giới tính, người lớn cũng có thể bị mà trẻ con cũng có thể bị. Thông thường hội chứng này là hệ quả của một chứng bệnh nào khác, hoặc là kết quả của sự mất cân bằng trong cơ thể, hoặc do cơ thể bị nhiễm trùng.
Hội chứng này là một hội chứng hiếm gặp. Tức là không phải ai cũng có thể mắc hội chứng này. Đây cũng không phải là một hội chứng bẩm sinh, hội chứng này thường chỉ bị do cơ thể có quá nhiều men trong ruột. Ví dụ một người lớn bị bệnh Crohn - bệnh viêm ruột từng vùng thì sẽ có khả năng bị nhiều men trong ruột, qua đó dẫn đến khả năng sinh ra hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu.
Một số người bị mắc bệnh gan cũng có thể dẫn đến chứng cơ thể tự tổng hợp rượu.
Một số trẻ con bị chứng ruột ngắn - short bowel syndrome cũng có khả năng mắc chứng cơ thể tự tổng hợp rượu. Có trường hợp một bé gái 3 tuổi uống nước trái cây xong rồi bị say do cơ thể tự tổng hợp rượu.
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu như: dinh dưỡng kém, thiếu cân bằng dinh dưỡng. Sử dụng kháng sinh. Chứng đầy hơi, khó tiêu hóa. Đái tháo đường. Hệ miễn dịch yếu.
Chẩn đoán hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu thế nào?
Hiện nay chưa có một phương pháp cụ thể để kiểm tra, chẩn đoán hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu. Thông thường thì bác sĩ sẽ lấy mẫu phân rồi kiểm tra xem ruột có bị nhiều men không.
Một cách kiểm tra khác là bác sĩ sẽ cho bạn uống một viên đường, sau đó không cho ăn uống gì khác. Sau vài giờ bạn sẽ được đo nồng độ cồn bằng cách thử máu, nếu không mắc chứng này thì nồng độ cồn trong máu sẽ bằng 0. Nếu có mắc chứng này thì nồng độ cồn trong máu sẽ đạt từ 1miligram đến 7 miligram trong 100ml máu.
Nếu bạn nghi ngờ bạn mắc Hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu, bạn có thể tự kiểm tra bằng cách để bụng đói, ăn đồ ngọt (ví dụ bánh). Sau một giờ bạn có thể dùng máy đo nồng độ cồn cầm tay thử xem hơi thở mình có cồn hay không, nếu có thì bạn đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ hơn, tất nhiên việc tự chẩn đoán có thể không chính xác vì máy kiểm tra của bạn có thể không xịn và nhạy như máy của bệnh viện hoặc của cảnh sát giao thông?
Điều trị Hội chứng Cơ thể tự tổng hợp rượu thế nào?
Hội chứng này có thể điều trị được, bác sĩ có thể đề nghị bạn ăn ít tinh bột lại, điều trị các nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng này như bệnh Crohn (viêm ruột). Bác sĩ cũng có thể kê toa các thuốc chống men trong ruột kèm với chế độ ăn uống riêng. Thời gian điều trị thường khoảng từ 3 tuần hoặc hơn.
Ngoài ra, nếu mắc chứng này, bạn cũng cần thay đổi chế độ dinh dưỡng: Giảm hoặc không dùng đường, hạn chế tinh bột như bánh mì trắng, cơm trắng, khoai tây chiên, đồ ngọt, nước ngọt.
Có thể ăn các loại hạt nguyên cám, gạo nâu, rau tươi hoặc rau đã chế biến. Trái cây tươi, trái cây khô vẫn ăn được thoải mái.
Tổng kết:
- Hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu là có thật, tuy nhiên đây là bệnh hiếm.
- Người mắc bệnh có thể sẽ bị say nếu ăn tinh bột, uống đồ ngọt.
- Nếu mắc phải hội chứng cơ thể tự tổng hợp rượu, nên tìm đến bác sĩ để được điều trị, chứng này có thể điều trị khỏi.
- Người bình thường ăn trái cây tươi sẽ không sao, nếu xưa giờ bạn ăn uống đồ ngọt, cơm gạo mà không có triệu chứng say xỉn thì bạn ăn trái cây cũng sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì.
Tài liệu tham khảo >>> Mời xem
1. A Case Study of Gut Fermentation Syndrome (Auto-Brewery).
2. Endogenous ethanol fermentation in a child with short bowel syndrome.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 16/02/2021
Khi nào bạn cần đến sự tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh?