XƯƠNG KHỚP

Thứ 6 ngày 22 tháng 12 năm 2023Lượt xem: 4274

Đo loãng xương.

Loãng xương (còn được gọi là bệnh giòn xương hay xốp xương) là hiện tượng xương mỏng dần và mật độ các dưỡng chất trong xương ngày càng thưa dần, khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Để chẩn đoán tình trạng xương bị loãng, các bác sĩ thường chỉ định áp dụng kỹ thuật đo mật độ xương, còn gọi là kiểm tra mật độ khoáng xương hay đo loãng xương.

1. Đo loãng xương (đo mật độ xương) là gì?

Đo loãng xương hay đo mật độ xương (tên tiếng Anh Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA), hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương. Những khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay.

Cũng thông qua kỹ thuật này, bạn có thể biết được bản thân có đang rơi vào tình trạng giảm khối lượng xương hay không. Nếu không may mắc phải, xương sẽ trở nên giòn và dễ gãy hơn.

2. Tại sao cần đo mật độ xương (BMD)?

Mục đích thực hiện xét nghiệm mật độ xương là sớm phát hiện những vấn đề về loãng xương (xương mỏng, yếu) và mất xương (giảm khối lượng xương) để có hướng điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm giúp ngăn ngừa tình trạng gãy xương. Các biến chứng của xương bị gãy liên quan đến loãng xương thường nghiêm trọng, đặc biệt là ở người già. Do đó, phát hiện sớm tình trạng loãng xương sẽ giúp chẩn đoán, điều trị kịp thời để cải thiện tình hình hoặc ngăn cho vấn đề không trở nặng.

Theo đó, việc đo lường mật độ xương được thực hiện nhằm mục đích:

  – Xác nhận chẩn đoán loãng xương nếu bạn đã bị gãy xương.

  – Dự đoán khả năng gãy xương trong tương lai.

  – Xác định tỷ lệ mất xương.

  – Xem xét việc điều trị có hiệu quả.

3. Những trường hợp nào cần đo mật độ xương?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó nhóm đối tượng cần được tiến hành đo mật độ xương bao gồm:

  – Phụ nữ sau mãn kinh không dùng estrogen.

  – Nhóm tuổi cao, phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi.

  – Hút thuốc.

  – Tiền sử gia đình bị gãy xương hông.

  – Sử dụng thuốc thuộc nhóm steroid (như prednisone)lâu dài hoặc một số loại thuốc khác cũng gây cản trở quá trình tái tạo xương và gây loãng xương.

  – Người mắc một số bệnh, bao gồm viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường loại 1, bệnh gan, bệnh thận, cường giáp hoặc cường cận giáp.

  – Tiêu thụ rượu quá mức.

  – BMI thấp (chỉ số khối cơ thể).

  – Phụ nữ đã từng được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone trong một thời gian dài (trên 10 năm).

  – Đàn ông trong độ tuổi từ 50 đến 69 tuổi bị tăng glucocorticoid, lạm dụng thuốc lá và rượu, giảm năng tuyến sinh dục nam (Hypogonadism), suy thận.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện kiểm tra mật độ xương khi bạn rơi vào những trường hợp sau:

  – Suy giảm chiều cao: Bất cứ ai bỗng nhiên thấy mình dường như thấp đi có thể nghĩ đến vấn đề gãy xương sống và nguyên nhân sâu xa là do bị loãng xương.

  – Gãy xương: Điều này không chỉ xảy ra khi gặp phải những chấn thương mạnh (té ngã, tai nạn…) mà có thể đến từ những lý do khó ngờ như ho hay hắt hơi quá mạnh. Theo đó, khi một đoạn xương trở nên suy yếu, nguy cơ xương bị vỡ dễ xảy ra hơn so với bình thường.

  – Thực hiện thủ thuật cấy ghép. Việc sử dụng thuốc chống thải ghép ở những ca bệnh cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương cũng là nguyên nhân gây loãng xương (do thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương).

  – Sự suy giảm hormone estrogen ở phụ nữ do những nguyên nhân như điều trị ung thư, suy giảm tự nhiên sau tuổi mãn kinh…

  – Đối tượng nam giới đã trải qua điều trị ung thư tuyến tiền liệt (do giảm nồng độ testosterone) cũng cần được xem xét thực hiện kỹ thuật này.

4. Quy trình đo độ loãng xương.

Để việc đo loãng xương diễn ra nhanh chóng và cho kết quả chính xác, bạn cần nắm những thông tin cơ bản sau:

* Chuẩn bị gì trước khi đo độ loãng xương?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng việc bổ sung canxi trong khoảng 24 đến 48 giờ trước khi thực hiện đo loãng xương. Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa lời khuyên không nên đeo đồ trang sức kim loại hoặc mặc quần áo có các chi tiết kim loại như nút, khóa kéo… khi thực hiện kỹ thuật này.

* Quá trình đo mật độ xương BMD

Khi bước vào thực hiện việc đo mật xương, ngoài những lưu ý trên, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể trình tự các bước như sau:

  – Bác sĩ sẽ chỉ định bạn nằm trên giường đệm của máy đo.

  – Máy đo sẽ di chuyển tới, lui để thực hiện việc đo lường.

  – Thời gian đo diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút.

  – Bạn chờ nhận thông báo kết quả.

* Sau khi đo mật độ xương

Hoàn tất quá trình đo, bác sĩ sẽ hẹn bạn thời gian nhận kết quả. Tùy thuộc vào thế hệ máy, kinh nghiệm của bác sĩ đọc kết quả mà thời gian trả kết quả sẽ diễn ra nhanh hay lâu. Hiện nay, với những thế hệ máy móc hiện đại thì thời gian trả kết quả đã được rút ngắn rất nhiều.

* Kết quả đo mật độ xương

Thông qua kỹ thuật đo mật độ xương sẽ xác định mật độ khoáng xương của cơ thể có đang trong tình trạng suy yếu. Kết quả đo mật độ xương được so sánh với 2 chỉ số: điểm T và điểm Z.

Đầu tiên, kết quả BMD của bạn được so sánh với kết quả BMD của Người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính và dân tộc với bạn. Độ lệch chuẩn (SD) chính là sự khác biệt giữa BMD của bạn với Người 25-35 tuổi khỏe mạnh. Đây gọi là điểm T.

  – Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương được xác định dựa trên các mức mật độ xương sau:

  – Điểm T trong khoảng 1 SD (+1 hoặc -1): mật độ xương ở mức bình thường.

  – Điểm T từ 1 đến 2,5 SD dưới trung bình (-1 đến -2,5 SD): mật độ xương thấp.

  – Điểm T từ 2,5 SD trở lên dưới mức trung bình (nhiều hơn -2,5 SD): loãng xương.

Ngoài chỉ số T, BMD của bạn còn được so sánh với mật độ xương bình thường của Người khỏe mạnh cùng độ tuổi (điểm Z). Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn cao hay thấp hơn so với người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc với bạn. Theo đó, điểm Z được Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế (ISCD) đánh giá như sau:

  – Điểm Z trên -2.0: bình thường.

  – Điểm Z = +0.5, -0.5 hay -1.5: phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh.

  – Điểm Z ≤ -2,0: mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi.

Ngoài xét nghiệm mật độ xương, bác sĩ cũng có thể đề xuất các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu để xem xét nguy cơ mắc bệnh thận, đánh giá chức năng tuyến cận giáp, đánh giá mức độ khoáng chất trong cơ thể liên quan đến sức khỏe xương (chẳng hạn như canxi).


 

Chủ động phòng chống loãng xương, vui lòng liên hệ với chúng tôi  1900 86 86 16 để được tư vấn và dự phòng sớm

 



>>> Mời xem

1. Khi nghi ngờ bị bệnh Tai biến mạch máu não, bạn cần làm gì?

2. Dấu hiệu báo động Tai biến mạch máu não - BeFast.

3. Khung giờ vàng trong điều trị Nhồi máu não.

4. Bệnh nhân NHỒI MÁU NÃO được điều trị thuốc Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thành công.

5. Kỹ thuật can thiệp nội mạch trong nhồi máu não cấp tính.

6. Cải thiện chức năng vận động và chất lượng cuộc sống trong điều trị NHỒI MÁU NÃO bằng thuốc tiêu sợi huyết.

7. Điều trị Co cứng cơ sau Đột quỵ não.

8. Điều trị ĐAU do co cứng cơ sau Đột quỵ não

9. Xử trí bệnh nhân tai biến mạch máu não, ý kiến chuyên gia.

10. Tai biến mạch máu não điều trị ở đâu?

dotquy.org